NHỮNG THÀNH CÔNG NỔI BẬT CỦA ĐỀ TÀI KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẤP NHÀ NƯỚC TN17/T06

Ngày 08/01/2021, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông", mã số TN17/T06, thuộc chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 với kết quả xuất sắc.

Sau 3 năm thực hiện đề tài TN17/T06, vượt qua mọi khó khăn vất vả trên những lộ trình thực địa, tập thể tác giả thuộc đề tài đã gặt hái được nhiều thành công và có nhiều phát hiện mới vượt trên cả mong đợi. Đề tài đã hoàn thành tốt và hoàn thành vượt mức các nội dung sản phẩm cả về số lượng và chất lượng so với hợp đồng đã ký cũng như thuyết minh được phê duyệt; một phần kết quả đề tài đã góp phần đặc biệt quan trọng cho sự thành công của danh hiệu “Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Đắk Nông”. Các kết quả của đề tài rất có giá trị khoa học và thực tiễn, rất cần cho công tác tái thẩm định danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Đắk Nông và là tiền đề cho việc xây dựng hồ sơ khoa học CVĐC toàn cầu trình UNESCO công nhận cho các khu vực khác ở Tây Nguyên trong thời gian tới; đồng thời đã gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới tiếp theo cho trên các lĩnh vực: địa chất, di sản địa chất, đa dạng sinh học và di sản văn hoá (di tích khảo cổ tiền sử).

Các kết quả nổi bật bao gồm:

  - Phát hiện di tích khảo cổ tiền sử hỗn hợp (di tích cư trú + di tích xưởng + di tích mộ táng) ở hang C6.1 Krông Nô (Đắk Nông), đặc biệt là việc phát hiện “di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô, Đăk Nông” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ bình chọn là Một trong 6 sự kiện KHCN tiêu biểu năm 2018 của Việt Nam; và CLB Nhà báo KH&CN VN, Hội Nhà báo Việt Nam bình chọn là Một trong 10 sự kiện khoa học nổi bật năm 2018 của Việt Nam. Phát hiện này đã mở ra Hợp tác quốc tế với Trung tâm Geogenetics, Viện Toàn cầu của Đại học Copenhagen, Đan Mạch để nghiên cứu các chuyên môn sâu tiếp theo.

- Một phần các kết quả nghiên cứu và phát hiện mới của đề tài TN17/T06 đã được tích hợp vào hồ sơ và là một trong những kết quả khoa học đặc biệt quan trọng trong nội dung Hồ sơ CVĐC Đắk Nông, góp phần quyết định cho việc UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC Toàn cầu cho CVĐC Đắk Nông vào ngày 07/7/2020. Ngày 24/11/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức long trọng buổi Lễ đón nhận danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Tại buổi lễ, Chủ nhiệm đề tài là TS. La Thế Phúc đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao tặng bằng khen ghi nhận “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển CVĐC Đắk Nông trở thành CVĐC Toàn cầu UNESCO Đắk Nông”.

- Phát hiện nhiều loài sinh vật có thể mới cho khoa học và đặc hữu cho hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông, trong số đó đã công bố quốc tế phát hiện loài bọ cạp mới có tên Chaerilus chubluk - mang tên núi lửa Chư B’Luk là ngọn núi lửa đã sinh ra hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Đặc biệt, đây là loài bọ cạp lần đầu tiên được phát hiện trong hang động núi lửa trên thế giới.

- Lần đầu tiên ở Việt Nam, đã tách chiết thành công DNA từ xương động vật cổ, mở ra một hướng nghiên cứu mới phục vụ công tác bảo tồn bảo tàng, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu chuyên môn sâu về DNA từ xương động vật cổ và người tiền sử.

- Xác định được các nguyên nhân bảo tồn rất tốt di tích hữu cơ (di tích động vật cổ, di cốt người tiền sử) trong hang động núi lửa trên cơ sở nghiên cứu tổng thể về môi trường địa - hoá – sinh trong tầng văn hoá hang C6.1.

- Phát hiện di sản hỗn hợp: di tích cư trú tiền sử thời Đá mới trên miệng núi lửa Hố Trethôn Hòa Tây, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu tính liên tục/dòng chảy lịch sử giai đoạn Đá mới ở lưu vực sông Sêrêpốk ở Nam Tây Nguyên.

- Phát hiện có hệ thống hàng loạt di tích thời Đá cũ dọc đới Sông Ba, làm cơ sở cho việc nghiên cứu phát hiện các nền văn hóa cổ đại - văn hoá Đá cũ được đề xuất tên gọi là Văn hóa Sông Ba ở Tây Nguyên, góp phần quy hoạch xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ di sản hỗn hợp ở các tỉnh có liên quan. Phát hiện này đã được các chuyên gia khảo cổ hàng đầu của Việt Nam và Liên bang Nga ghi nhận, là tiền đề để xây dựng một đề án lớn “Thiên nhiên và con người kỷ Đệ tứ ở Đông Dương, lấy thí dụ khu vực miền núi của Việt Nam” mà qua đó sẽ triển khai việc hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Viện Khảo cổ học Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Novosibirsk, Liên bang Nga.

- Phát hiện, thống kê phân loại theo hình thái - nguồn gốc 8 kiểu bom núi lửa ở khu vực Tây Nguyên.

  Một số hình ảnh tải buổi họp nghiệm thu đề tài:

Ảnh 1. TS. La Thế Phúc - Chủ nhiệm đề tài TN17/T06 trình bày Báo cáo tổng kết trước Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước.

Ảnh 2. PGS.TSKH. Trần Trọng Hòa cùng Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước làm việc tại buổi nghiệm thu đề tài.  

Ảnh 3. Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu - TS.NCVCC Nguyễn Đình Kỳ đánh giá cao những kết quả của đề tài TN17/T06 mà “một tập thể tác giả hết sức nghiêm túc, hết sức đam mê và hết sức chuyên nghiệp” đã nỗ lực đạt được.

Ảnh 4. ThS. Phạm Ngọc Danh – Nguyên Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông phát biểu ghi nhận những đóng góp của loạt đề tài do Bảo tàng Thiên nhiên thực hiện, trong đó có đề tài TN17/T06, đã góp phần quan trọng mang lại danh hiệu cao quý Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Ảnh 5. TS. Nguyễn Gia Đối – Q. Viện trưởng Viện Khảo cổ học đánh giá rất cao những thành công của đề tài, đặc biệt là việc đã phát hiện được di tích khảo cổ, trong đó có di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô, Đăk Nông.  

Ảnh 6. PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử phát biểu đánh giá kết quả của đề tài là thành công của hợp tác liên ngành trong việc phát hiện, nghiên cứu xác lập di sản, xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ các di sản hỗn hợp tự nhiên và văn hóa.

Ảnh 7. GS.TS. Trương Quang Hải – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước công bố kết luận của Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài TN17/T06 đạt kết quả xuất sắc với số phiếu 9/9.   

Anh 8. PGS.TS. Nguyễn Trung Minh - Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Phó Chủ nhiệm đề tài TN17/T06 phát biểu cám ơn, kết thúc buổi nghiệm thu đề tài.

Nguồn tin: Phòng Địa chất, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Tin cùng loại