Săn bắt và buôn bán được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm số lượng quần thể ngoài tự nhiên. Là loài đặc hữu chỉ ghi nhận sự phân bố ở hai đảo nhỏ thuộc tỉnh Cà Mau, loài Tắc kè đuôi vàng – Cnemaspsis psychedelica có nguy cơ tuyệt chủng cao do tác động của hoạt động phá hủy sinh cảnh sống và săn bắt, buôn bán quốc tế với số lượng lớn. Nhằm hạn chế những tác động của hoạt động buôn bán, loài tắc kè đuôi vàng được đánh giá xếp hạng trong phụ lục I của công ước quốc tế CITES cấm buôn bán trái phép động vật hoang dã. Trong công tác bảo tồn quần thể ngoài tự nhiên, đánh giá và xác định cá thể Tắc kè đuôi vàng đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát và giám định. Do có kích thước cơ thể nhỏ (từ 5,82 – 7,57 cm) nên các các thể Tắc kè đuôi vàng không thể giám sát bằng việc bắn chip điện tử. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng phương pháp định loại hình ảnh bằng việc xác định những vân và khoảng màu sắc trên cơ thể của loài không thay đổi vĩnh viên trong suốt vòng đời và khác biệt giữa các các thể cùng loài. Qua phân tích hình ảnh, chúng tôi nhận thấy đặc điểm với những vùng ô lưới màu đen và vàng trên cổ và sau gáy của các cá thể Tắc kè đuôi vàng phù hợp với tiêu chí phân tích và định loại bằng hình ảnh. Chúng tôi sử dụng phần mềm Wild-ID để nối các điểm ảnh tương ứng của dữ liệu đầu vào là tệp ảnh của các cá thể Tắc kè đuôi vàng trưởng thành được theo dõi trong khoảng thời gian 3 năm. Với kết quả thu được, phần mềm hỗ trợ rất tốt trong công tác định loại và nhận định chính xác các cá thể sau những khoảng thời gian theo dõi, và có thể trờ thành công cụ hữu ích trong công tác giám sát quần thể loài trong tương lai.
Hình 1: Một số hình ảnh sử dụng phần mềm Wild-ID trong việc xác định từng cá thể loài.
Nguồn trích dẫn: “Gewiss, L. R., Ngo, N. H., van Schingen-Khan, M., Nguyen, V. K., Nguyen, Q. T., Rauhaus, A. & Ziegler, T. (2021). Photographic identification of Cnemaspis psychedelica: a useful tool to improve the regulation of international wildlife trade. Herpetological Conservation and Biology, 16(1): 142 – 149”.
Nguồn tin: Ngô Ngọc Hải, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST