Sáng ngày 14 tháng 8 năm 2024, đoàn cán bộ Lãnh đạo và thường trực HĐKH của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (TNVN) đã thăm và làm việc tại Vườn quốc gia Ba Vì về việc đề xuất phối hợp phát triển “Vườn động vật quốc gia”.
Tham gia buổi làm việc, về phía Vườn quốc gia Ba Vì có ông Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Vườn, ông Đỗ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Vườn, đại diện các đơn vị của Vườn quốc gia Ba Vì; về phía Bảo tàng TNVN có PGS.TS. Nguyễn Trung Minh, Tổng giám đốc; các Phó Tổng giám đốc: PGS.TS. Vũ Văn Liên, PGS.TS. Phan Kế Long, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, thường trực HĐKH cùng một số cán bộ lãnh đạo các đơn vị của Bảo tàng TNVN.
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Hữu Thế, thay mặt Ban lãnh đạo của Vườn giới thiệu về Vườn, về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển, những kết quả mà Vườn đã đạt được trong những năm qua. Vườn quốc gia Ba Vì được thành lập theo Quyết định số 17-CT ngày 16/01/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Hiện nay, Vườn có tổng diên tích gần 9.702,41 ha, thuộc địa giới hành chính 15 xã, 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai của Thành phố Hà Nội, Lương Sơn, tp Hoà Bình của tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, Núi Ba Vì có 3 đỉnh: đỉnh Vua có độ cao 1.296m, đỉnh Tản Viên có độ cao 1.227m và đỉnh Ngọc Hoa có độ cao 1.131m. Hệ động, thực vật của Vườn rất phong phú và đa dạng với 2.181 loài cây gỗ, 503 loài cây thuốc, 65 loài thú, 194 loài chim, 61 loài bò sát, 27 loài lương cư và 552 loài côn trùng. Trong đó có nhiều loài quý, hiếm được ghi trong sách đỏ, CITES, IUCN, nhiều loài động, thực vật mới cho khoa học được phát hiện và lấy tên Vườn quốc gia Ba Vì, hơn nữa, nhiều loài động, thực vật đặc hữu Việt Nam cũng tìm thấy ở Vườn.
Thay mặt Lãnh đạo Bảo tàng TNVN, PGS.TS. Nguyễn Trung Minh cảm ơn sự tiếp đón nhiệt tình của Vườn quốc gia Ba Vì và đánh giá cao những kết quả mà Vườn đã đạt được trong những năm qua, những kết quả quý báu góp phần nâng cáo giá trị đa dạng sinh học, tuyên truyền và giáo dục cũng như bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn nói riêng, Việt Nam nói chung.
Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, theo Quyết định 86/2006/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 04 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đến 2020", theo đó, Bảo tàng TNVN là Bảo tàng đầu hệ trong hệ thống. Ngoài Bảo tàng TNVN, Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt nam có Bảo tàng thiên nhiên Nam Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng thiên nhiên Tây Nguyên tại tỉnh Lâm Đồng, Bảo tàng Hải dương học Nha Trang tại thành phố Nha Trang, Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn tại thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Bảo tàng Địa chất tại thành phố Hà Nội, Bảo tàng tài nguyên rừng tại thành phố Hà Nội, Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng thiên nhiên Tây Bắc tại tỉnh Điện Biên, Bảo tàng thiên nhiên cơ sở tại Đại học quốc gia Hà Nội tại thành phố Hà Nội, Khu trưng bày ngoài trời Mê Linh tại huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, và Khu trưng bày ngoài trời Hòa Lạc dự kiến tại Hòa Lạc, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
Như vậy, Khu trưng bày ngoài trời bao gồm hai địa điểm là Mê Linh (Vĩnh Phúc) và Hòa Lạc (Hà Nội) trưng bày thực vật và động vật, hay còn gọi là Vườn thực vật quốc gia và Vườn động vật quốc gia. Vườn động vật quốc gia dự kiến đặt tại Hòa Lạc, nhưng qua các đợt khảo sát, Bảo tàng TNVN nhận thấy địa điểm đặt tại Vườn quốc gia Ba Vì, nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn, Vườn động vật gắn với các sinh cảnh tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên là phù hợp hơn. Vườn quốc gia Ba Vì cũng không xa trung tâm thành phố Hà Nội, có nhiều cảnh quan thiên nhiên và điểm tham quan hấp dẫn, rất thuận tiện cho việc tham quan, giáo dục về thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.
Hai đơn vị sẽ tiếp tục bàn bạc để thống nhất kế hoạch, phương án và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để có thể triển khai “Vườn động vật quốc gia” tại Vườn quốc gia Ba Vì trong tương lai./.
Một số hình ảnh thăm và làm việc:
Buổi làm việc tại Vườn quốc gia Ba Vì
Tổng Giám đốc Bảo tàng TNVN và Giám đốc VQG Ba Vì Tham quan phòng mẫu
Ảnh: Vườn quốc gia Ba Vì
Tin: Phòng Trưng bày, Truyền thông và Giáo dục cộng đồng