NGHIỆM THU ĐỀ TÀI BẢO TÀNG THIÊN NHIÊN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN

Kết quả của đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh Hà Giang, thể hiện qua Phòng trưng bày về thiên nhiên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang, đã được nghiệm thu với kết quả xuất sắc.

Sáng ngày 24 tháng 01 năm 2019, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng Bảo tàng thiên nhiên công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang”, Mã số: ĐTKH.HG-04/16, thời gian thực hiện 2016 – 2018. Về phía cơ quan thực hiện đề tài, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, có PGS.TS. Nguyễn Trung Minh, Tổng Giám đốc cùng các thành viên tham gia đề tài tham dự. Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS. Vũ Văn Liên.

Đề tài được UBND tỉnh Hà Giang đặt hàng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Mục tiêu của đề tài là Nghiên cứu xây dựng kịch bản trưng bày, thu thập mẫu vật (về địa chất và sinh vật) và trưng bày thiên nhiên về Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên (CVĐCTCCNĐ) đá Đồng Văn.

CVĐCTCCNĐ Đồng Văn trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, có diện tích là 2356,8 km². Cao nguyên đá được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10 năm 2010. Sau 4 năm, tháng 11 năm 2014, UNESCO tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của Công viên Địa chất toàn cầu giai đoạn 2015-2018. Để đảm bảo cho việc tái đánh giá cho 4 năm tiếp theo, một trong những tiêu chí bắt buộc là Hà Giang phải có không gian trưng bày về Cao nguyên đá.

Kết quả trong thời gian 02 năm, đề tài đã thực hiện và hoàn thành đúng hạn các nội dung nghiên cứu, sản phẩm đạt được theo yêu cầu đề ra. Đã thu thập, sưu tầm các bộ mẫu địa chất (đá, khoáng sản, hoá thạch) và mẫu sinh vật (nấm, thực vật, động vật, côn trùng) với hơn 2000 mẫu vật. Đề tài cũng đã hoàn thành kịch bản và thiết kế trưng bày. Kết quả quan trọng nhất của đề tài là đã hoàn thành Phòng trưng bày Thiên nhiên CVĐCTCCNĐ Đồng Văn tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang với diện tích 100 mét vuông.

Tổng số hơn 600 mẫu địa chất và mẫu sinh vật đã được trưng bày, thể hiện lịch sử hình thành Cao nguyên đá Đồng Văn qua các thời kỳ địa chất của Đại Cổ sinh và Đại Trung sinh, với các mẫu hóa thạch có niên đại từ 500 đến 250 triệu năm trước, gồm Bọ ba thùy, hóa thạch Chân bụng, hóa thạch Hai mảnh vỏ, hóa thạch Tay cuộn, hóa thạch Trùng lỗ, San hô 4 tia; các mẫu đá và khoáng sản. Về sinh vật, không gian thể hiện sự đa dạng và phong phú của các loài thực vật hạt kín, thực vật hạt trần, nấm, động vật có xương sống (thú, chim, bò sát – lưỡng cư, cá), động vật không xương sống (côn trùng, ốc cạn). Trong đó, nhiều loài có giá trị cao về kinh tế và khoa học, đặc hữu của Cao nguyên đá Đồng Văn.

Phòng trưng bày về Cao nguyên đá tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang đã được các chuyên gia UNESCO thẩm định và đã được đánh giá cao phục vụ cho việc tái đánh giá CVĐCTCCNĐ Đồng Văn. Nội dung và hình thức không gian trưng bày cũng đã được tỉnh Hà Giang sử dụng để trình bày trước Hội đồng UNESCO quốc tế tại Italy và đã được đánh giá cao.

Hội đồng nghiệm thu đề tài đã đánh giá cao kết quả của đề tài, hoàn thành tiêu chí để Tổ chức UNESCO tái đánh giá công nhận Công viên Địa chất toàn cầu. Đây là đề tài có hiệu quả cao, được địa phương đón nhận tích cực, có giá trị khoa học và thực tiễn, giới thiệu về lịch sử hình thành địa chất của cao nguyên đa, sự tiến hóa của các thế giới sinh vật và di sản địa chất Cao nguyên đá. Kết quả đề tài góp phần tuyên truyền và quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hóa và con người Hà Giang nói chung, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng với du khách trong và ngoài nước thông qua Phòng trưng bày./.

Một số hình ảnh Nghiệm thu và Phòng trưng bày:


Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài

Hình ảnh Phòng trưng bày

Trưng bày phần Địa chất

Trưng bày phần sinh vật

Tin: Phòng Truyền thông và Giáo dục Cộng đồng

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST

Tin cùng loại