CÁC KẾT QUẢ NỔI BẬT NĂM 2018 CỦA BẢO TÀNG THIÊN NHIÊN VIỆT NAM

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, một đơn vị còn non trẻ, song những thành tích và kết quả đã đạt được trong năm 2018 là rất đáng tự hào và rất đáng trân trọng. Điều đó thể hiện sự nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý và phát triển Bảo tàng của Ban Tổng Giám đốc, tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Bảo tàng TNVN.

Trong năm 2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (TNVN) được giao thực hiện 48 nhiệm vụ, dự án và đề tài các cấp, các đề tài đều được thực hiện đúng tiến độ được giao. Bảo tàng TNVN đã có 77 công trình công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước có uy tín và sách chuyên khảo, trong đó có 57 bài báo quốc tế bao gồm 14 bài trong tạp chí thuộc danh sách SCI, 29 bài trong tạp chí thuộc danh sách SCI-Expanded (đạt 1,4 bài SCI, SCI-E/1 cán bộ), 14 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế không thuộc danh mục ISI nhưng có mã chuẩn ISSN, 08 bài báo đăng trên các tạp chí của Viện Hàn lâm KHCNVN không thuộc danh mục Scopus và 12 bài báo khác trong các tạp chí có chỉ số ISSN/ISBN, phát hiện 58 loài mới cho khoa học gồm: 02 loài bọ cạp, 12 loài nhện, 10 loài bò sát ếch nhái, 01 chuồn chuồn, 01 ngài đêm, 14 loài Dương xỉ, 07 thực vật hạt kín, 01 loài cá, 09 loài ve và bọ que, 01 giống mới, 03 sách chuyên khảo.

Đặc biệt trong năm 2018, Bảo tàng TNVN đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông", mã số TN17/T06, thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, đã thu được kết quả gây “chấn động” giới khoa học trong nước và quốc tế. Trong quá trình khảo sát, khai quật và nghiên cứu các nhà khoa học khẳng định đã phát hiện di chỉ khảo cổ, đặc biệt là khai quật được di cốt người tiền sử, có niên đại khoảng 7.000 năm, trong hang động núi lửa Krông Nô. Việc phát hiện di cốt người cổ trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên là một bước ngoặt của ngành cổ nhân học trong nước, có ý nghĩa/giá trị to lớn không chỉ ở Tây Nguyên, Việt Nam và Đông Nam Á; mà còn có giá trị và thuộc loại hiếm gặp trong hang động núi lửa thế giới. Kết quả bước đầu sơ bộ của đề tài đã được giới truyền thông trong và ngoài nước đưa tin, cụ thể: có 5 báo giấy đăng tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh (Báo: Thanh Niên, Viet Nam News, Thể thao Văn hóa, Tuổi trẻ và Tiền Phong), 46 báo điện tử, 12 bài tin Tiếng Anh (trong đó có 4 bài đăng trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng như Archaeology -Archaeological Institute of America- Tạp chí của Viện Nghiên cứu Nhân chủng học Hoa Kỳ, Southeast asian archaeology- Tạp chí nhân chủng học Đông Nam Á, Agencia Informativa Latinoamericana- của Mỹ La tinh, UIS Commission Volcanic Caves Newsletter No73 và có gần 10 hãng đưa tin (nhiều lần) với gần 20 buổi phát trên các kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTV4, TTXVN, VTC... Dự kiến kết quả phát hiện mới này sẽ được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2018. Đây cũng là chứng cứ khoa học đầy thuyết phục, rất có giá trị để bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu toàn cầu đối với công viên địa chất Đắk Nông và đối với du khách, đây sẽ là một trong những điểm tham quan thú vị mới.

Trong năm 2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã hoàn thiện chế tác mẫu Rùa Hồ Gươm bằng phương pháp nhựa hóa, một phương pháp hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Đây là mẫu vật lớn gắn với đời sống tâm linh của người Hà Nội, nên các chuyên gia phải thực hiện rất tỉ mỉ. Phương pháp nhựa hóa sẽ giúp mẫu vật giữ được nguyên trạng, sát thực nhất với mẫu sống, không mùi và độ bền cao. Tiêu bản rùa hoàn thành rất đẹp và có hồn, các chi tiết giống với rùa Hồ Gươm khi còn sống.

Ngoài ra, trong năm 2018, Bảo tàng TNVN đã hoàn thiện thiết kế trưng bày, thu thập mẫu vật và hoàn thiện trưng bày "Phòng trưng bày về thiên nhiên" của Bảo tàng Thiên nhiên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, thuộc Đề tài "Nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang", tuy chưa nghiệm thu, đề tài được tổ chức UNESCO và tỉnh Hà Giang đánh giá cao, phòng trưng bày về thiên nhiên sống động, phòng trưng bày là tiêu chí đánh giá công viên đá đồng văn, góp phần quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hóa và con người Hà Giang.

Năm 2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vinh dự được Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) trao chứng nhận thành viên trẻ cho TS. Nguyễn Thiên Tạo nhiệm kỳ 2018-2022.

Tin cùng loại